CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG

Chuyển dịch năng lượng là sự chuyển dịch từ việc sử dụng các loại nhiên liệu hoá thạch (than đá, dầu mỏ…) sang sử dụng năng lượng tái tạo trong ngành điện và từ việc sử dụng các loại nhiên liệu hoá thạch (xăng, dầu…) sang sử dụng điện trong các lĩnh vực kinh tế khác.

Quá trình này đóng vai trò then chốt và mang tính quyết định trong cuộc chiến toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, về việc đưa mức phát thải ròng carbon về “0” vào năm 2050. Đồng thời, quá trình này góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Tại hội nghị COP 3, năm 1997 tại Nhật Bản, Nghị định thư Kyoto đã được thông qua. Sự kiện này được đánh giá là một bước ngoặt mang tính lịch sử, bởi đây là thoả thuận toàn cầu đầu tiên về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động của con người và đưa ra các nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính cho các quốc gia phát triển.

Đến hội nghị COP21, năm 2015 tại Pháp, tất cả các quốc gia và các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã nhất trí giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2°C và lý tưởng là 1,5°C, so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tại hội nghị COP26 vào cuối năm 2021, gần 200 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact) trong đó nêu rõ mục tiêu cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với năm 2010 và về 0 vào giữa thế kỷ này.

Đã đăng vào Tin tức